Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016
Trang bị công nghệ cho dòng xe pick-up-Mitsubishi đang quyết tâm tìm lại vinh quang
Lái xe Triton liền tù tì hai ngày, tôi có một thắc mắc không giải thích nổi. Đó là hệ thống treo sau của Triton vẫn như xưa, ở dạng lá nhíp. Nhưng tại sao cảm giác xóc mạnh khi đi vào đường xấu đã giảm đi rất nhiều? Hỏi các kỹ sư của Mitsubishi, được biết các lá nhíp đã được thiết kế dài hơn, cộng thêm cao su giảm chấn được thiết kế với đường kính lớn hơn. Đây là một điều chỉnh quan trọng, khiến cho người sử dụng xe không còn “ngại” khi chỉ lái xe một mình với các cú xóc lộn ruột như ngày xưa.
Sau hai ngày lái New Triton, tôi cảm nhận được Mitsubishi đang quyết tâm tìm lại vinh quang ở dòng xe pick-up tại Việt Nam khi trang bị cho xe này hàng loạt công nghệ...
Thương nhớ “trai tân”...
Nhớ lần đầu tiên ông anh gọi ra quán cà phê để khoe “vợ hai” vào năm 2009, tôi không khỏi phì cười khi cả đám đàn ông lộc ngộc bu xung quanh mà suýt xoa, soi mói, sờ mò từng chi tiết của chiếc “trai tân”.
Kẻ nào cũng tranh nhau nói, tranh nhau ba hoa khoác lác đủ điều về chiếc “bán tải” Triton đầy lạ lẫm, với kiến thức thiếu trước hụt sau. Cũng phải, bởi khi đó, ở Việt Nam, số đầu xe bán tải xuất hiện trên đường phố rất hiếm hoi. Và sự xuất hiện của Triton như làn gió mới thổi bùng lên khao khát sở hữu chiếc ô tô mạnh mẽ của những “đứa trẻ nhiều tuổi”.
Ông anh tôi đã từng rất tự hào, mà “chém” rằng: “Tao chỉ phải trả tiền ít mà đã có tất cả các xe trong em...trai tân!”. Chở vợ đi siêu thị, dẫn con đi bát phố? Đã OK! Chở bạn bè đi nhậu? Đã OK! (Giờ thì mục này không OK nữa, cấm tiệt! Nhưng thời “man rợ” đó, dù luật đã cấm uống bia rượu khi lái xe thì bọn đàn ông chúng tôi vẫn nốc, dù biết sai bét). Đi công trường? Cũng OK! (Lão ta là kiến trúc sư). Và đặc biệt, ông anh tôi hăng hái tham gia tất cả các vụ đi “phượt” mà chúng bạn vẽ ra. Lâu lâu, tôi lại gặp thêm một người bạn của lão tậu em “trai tân” nữa, rủ nhau đậu thành hàng trước quán cà phê, trông phong cách ra phết! Thời ấy, nhắc tới bán tải, hình như ai cũng nghĩ về Triton, với giá rẻ hơn xe 7 chỗ rất nhiều, thuế chước bạ rẻ, phí đăng ký rẻ...
Tôi cũng có “vinh dự” được lão cho mượn xe mấy lần, khi về quê, khi đi miền núi. Lái chiếc nửa xe tải, nửa xe 7 chỗ, cảm giác khá lạ lẫm. Vô lăng nặng. Chân côn nặng. Xe qua đoạn xóc thì nảy tưng tưng, nếu chỉ đi một mình. Đi xa mà bị đùn ngồi ghế sau thì oải vô cùng. Vậy nhưng lần nào được mượn chiếc Triton, tôi cũng mê mẩn. Cảm giác như chất đàn ông của mình được tăng thêm mấy bậc.
Tới cuối năm 2011, lão anh làm ăn kém, bán xe. Hắn rủ tôi đi cà phê, chả nói gì, ánh mắt của kẻ lãng du đầy sự tiếc nuối.
Từ đó đến nay, tôi đi nhiều xe khác, nhưng chưa một lần động đến Triton của Mitsubishi. Cứ như cái duyên bị cắt. Nhưng theo dõi tin tức về Mitsubishi, nhất lại là tại Việt Nam, thì tôi không bỏ sót mục nào. Tôi nhận ra các hãng xe ầm ầm phi lên, với đủ mọi công nghệ, và nhất là Thị trường pick-up đã trở nên cực kỳ sôi động trong mấy năm vừa qua. Nhưng Triton thì... “mất dạng”. Hội “trai tân” trên các diễn đàn vẫn hoạt động, nhưng cứ có cảm giác như những “người già” dẫn theo “đàn chó cũng già” nhấm nháp cà phê mà tiếc nuối về một thời xưa cũ huy hoàng.
...Và những thay đổi lớn
Cho tới hôm rồi, khi tôi kéo cánh cửa bên lái chiếc Triton thế hệ mới loại 4×4 AT, nếu không kìm lại thì tôi đã gọi về Hà Nội cho ông anh. Tôi muốn nói với lão rằng, “người tình” xưa của anh giờ đã khác.
“Em” dài hơn, nuột nà hơn, bóng bẩy hơn, bớt vẻ “tròn tròn” như thế hệ cũ. Với chiều dài 5,28m, riêng thùng xe được kéo dài để có kích thước 1,52m, Triton đã làm mới mình. Nghe giới thiệu về chiếc xe, tôi không thực sự cố ghi nhớ, mà chỉ chăm chăm vào “soi” chiếc xe đời mới. Khoang lái đã được mở rộng hơn, đặc biệt là hàng ghế sau. Ghế xe được thiết kế ngả tới 25 độ, ngồi thử khá thoải mái.
Tôi phát hiện ra chuỗi đèn led được thiết kế khá nam tính và hiện đại. Không có cảm giác “yếu” từ phần led trên Triton. Nó khá ăn nhập với phần đầu xe. Cụm đèn xe hiện đại. Nắp ca bô cứng cáp. Thân xe thiết kế, mà theo như Mitsubishi “khoe”, theo ngôn ngữ J-line. Xe có nhiều đường cong, đi thành phố khá phù hợp. Chiều cao xe thấp hơn một số đối thủ, nên trông không có cảm giác “hầm hố”. Tôi vốn thích pick-up trông phải mạnh mẽ nên không được “ưng bụng” lắm ở thiết kế bên ngoài của Triton.
Leo lên ghế lái, tôi không nghĩ đây là khoang lái của một chiếc xe “bán tải”. Ghế da chỉnh điện 8 hướng. Vô lăng ba chấu bọc da, tích hợp các nút điều khiển. Màn hình trung tâm cảm ứng. Điều hoà tự động.
Thò tay đề máy, tôi hơi khựng người, khi không thấy ổ khoá phía bên phải vô lăng như mình còn nhớ. Hoá ra xe đã trang bị hệ thống khởi động bằng nút bấm, và bố trí sang bên trái. Thầm nghĩ, Triton đã quyết tâm làm khách hàng của mình nhận ra sự khác biệt. Khác biệt tới mức, sau 2 ngày liền sử dụng xe, tôi vẫn thỉnh thoàng thò tay phải xuống dưới vô lăng.
Bấm nút, động cơ diesel rùng lên. Tiếng động cơ 178 mã lực, mô men xoắn cực đại 400 Nm, vọng vào ca bin thành âm thanh “cành cành” quen thuộc. Với tôi, tiếng nổ này sẽ giúp mình “hiểu” động cơ đang làm việc ở mức nào, chứ chưa cần phải nhìn vào kim chỉ vòng tua tốc độ quay. Nhưng với người khó tính, muốn sự yên tĩnh của một chiếc xe 7 chỗ dành cho gia đình, thì tiếng nổ của động cơ diesel khá... rắc rối. Tôi cũng “an ủi” Triton rằng, người chọn xe êm như thế, hẳn đã có nhiều tiền và chả cần phải dùng xe theo kiểu kết hợp như người chọn xe pick-up.
Lái chất hơn
Lò dò tìm đường ra cao tốc, tôi vẫn thấy vô lăng trợ lực dầu của Triton nằng nặng như xưa. Phụ nữ mà vần chiếc pick-up này sẽ không dễ dàng. Nhưng tiểu thư nào mà sẵn sàng đánh đổi sự kiêu sa kiều kiễm với váy ngắn, giày gót cao để “cầm cương” chiếc pick-up? Xe này dành cho đàn ông, vô lăng như vậy là chấp nhận được.
Xe vận hành khá linh hoạt khi tôi để hộp số ở chế độ 2H. Núm xoay chọn chế độ cài cầu sành điệu ngay bên cạnh phanh tay kiểu cũ, như một sự mất cân xứng đầy thách thức, nhưng cũng nhắc nhở một sự tiếp nối về công nghệ mà Mitsubishi đang gửi tới người sử dụng xe.
Với gương chiếu hậu cỡ lớn có tích hợp đèn báo rẽ, tôi khá thoải mái quan sát dòng xe nườm nượp của nội đô Sài Gòn. Cảm giác được gắn với “người cũ”, tôi yên tâm trên chiếc xe nặng hơn 1,8 tấn.
Vào đường cao tốc, chiếc xe nhanh chóng đạt tốc độ 120km/h, mà không cần phải cố gắng, khi chân ga còn dư rất nhiều. Tôi khá hài lòng và yên tâm khi “người tình cũ” của ông anh tôi được trang bị công nghệ chống bó cứng phanh (ABS) và hệ thống phân phối lực phanh điện tử (EBD) cùng túi khí đôi phía trước. Riêng hàng ghế phía trước có cơ cấu căng đai an toàn tự động.
Chiếc xe lao về phía trước, vững chãi. Tiếng động cơ nổ đều đều, vọng nhỏ vào ca bin. Tôi hầu như không nghe thấy tiếng ồn từ lốp dội vào trong xe, phần vì cách âm khá tốt, phần vì gầm xe cao đặc trưng. Triton có khoảng sáng gầm xe 205 mm, và bố trí ghế lái cao, nên tôi có tầm quan sát rất tốt khi chạy trên đường. Góc nhìn xe lớn, tôi khá tự tin khi chuyển làn, vượt xe.
Qua mỗi trạm soát vé, tôi thử lẫy chuyển số trên vô lăng. Khá thú vị. Tạm để tôi đỡ thèm cảm giác tăng số của xe số sàn, mà lại đủ tiện nghi của một xe số tự động, điều cần thiết cho độ tuổi không quá trẻ và thường xuyên dùng xe ở thành phố như khách hàng là tôi. Trong dòng xe bán tải đang bán tại Việt Nam, duy nhất Triton trang bị lẫy chuyển số. Mitsubishi đã rất chiều khách hàng của mình. Một điểm được ghi, quan trọng.
Tìm lại quá khứ oai hùng
Sang ngày thứ hai sử dụng xe Triton, tôi muốn kiểm tra xe vận hành trong chế độ 4LLc. Đèn xe nhấp nháy báo bộ vi sai trung tâm đang hoạt động để phân bổ lực kéo ra cả 4 bánh, chiếc xe lừ lừ leo vào đồi cát ở Long Hải. Đây là những đồi cát thấp, có nền khá chắc, nên không gây khó khăn cho Triton thế hệ mới. Hơn nữa, xe có chiều dài cơ sở ngắn, nên góc thoát của xe lớn. Cộng với vòng quay tối thiểu của xe thấp nhất phân khúc, Triton mới khiến tôi tự hỏi, liệu khách hàng khác đã sẵn sàng cho việc “tích hợp” khi chọn xe đi cả địa hình và thành phố?
Trời mưa, phát hiện xe có dấu hiệu trượt ở những khúc cong nhẹ, tôi xoay núm chuyển xe chạy chế độ 4H. Điều gây ngạc nhiên là dù vận hành ở chế độ 2 cầu chủ động, chiếc xe chạy rất linh hoạt, không hề có cảm giác bị “gằn” như những chiếc xe bán tải khác tôi đã từng đi. Triton tự hào rằng, đây là chế độ duy nhất mà Triton có trong dòng bán tải tại Việt Nam. Triton ghi thêm một điểm nữa với tôi. Xe có chế độ gạt mưa tự động, cảm biến theo tốc độ xe. Lái xe ở chế độ này, tôi cực kỳ yên tâm, khi biết nguy cơ trượt xe của trên đường trơn đã được giảm đi rất nhiều.
Lái xe Triton liền tù tì hai ngày, tôi có một thắc mắc không giải thích nổi. Đó là hệ thống treo sau của Triton vẫn như xưa, ở dạng lá nhíp. Nhưng tại sao cảm giác xóc mạnh khi đi vào đường xấu đã giảm đi rất nhiều? Hỏi các kỹ sư của Mitsubishi, được biết các lá nhíp đã được thiết kế dài hơn, cộng thêm cao su giảm chấn được thiết kế với đường kính lớn hơn. Đây là một điều chỉnh quan trọng, khiến cho người sử dụng xe không còn “ngại” khi chỉ lái xe một mình với các cú xóc lộn ruột như ngày xưa.
Triton đã tạo cho tôi cảm giác nó sẽ vận hành bền bỉ, như truyền thống mà Mitsubishi tạo ra nhiều năm nay. Tôi muốn gọi cho lão anh mình mà bảo rằng, nếu kinh tế đã hồi, và muốn tìm về “người tình” cũ, hắn nên nghĩ lại. Tất nhiên, khi không còn trẻ và hăng hái, lão nên lái chiếc số tự động bản cao cấp nhất. Đó cũng là cách để tìm lại vinh quang xưa và vẫn giữ được tình yêu.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét